Dự báo thủ đô Hà Nội sẽ gặp mưa lớn vì áp thấp
13:43 |Theo trung tâm khí tượng thủy văn, Hà Nội sẽ có mưa lớn vì ảnh hưởng của áp thấp.
Vào mùa mưa bão, nhiều nơi gặp mưa lớn trong thời gian dài gây ngập úng nhiều. Thành phố lớn như Hồ Chí Minh và cả thủ đô Hà Nội thường gặp mưa lớn trong vài tuần gần đây, tình hình này dự báo còn kéo dài và sắp tới sẽ khiến Hà Nội gặp khó.
Chi tiết hơn, mọi người có thể đọc "Áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn ở Hà Nội" đăng trên VnExpress như sau:
Lãnh đạo trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương lưu ý, vào lúc tan tầm chiều nay ở Hà Nội sẽ có mưa lớn.
Theo trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương, trưa và chiều nay (25/9) áp thấp nhiệt đới sẽ đi vào đất liền các tỉnh Quảng Ninh-Hải Phòng với sức gió cấp 6, giật cấp 8.

TP Hà Nội có thể bị mưa lớn gây ngập úng do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới. Ảnh minh hoạ: Giang Huy.
Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai sáng cùng ngày, ông Hoàng Đức Cường - Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, lưu ý khu vực Hà Nội từ chiều và đêm nay nhiều khả năng sẽ xuất hiện mưa lớn.
"Mưa ở Hà Nội có thể vào giờ tan tầm nên dễ xảy ra tắc đường, ngập lụt và tiềm ẩn nhiều rủi ro khác. Áp thấp nhiệt đới không mạnh lên thành bão nhưng các địa phương đừng chủ quan vì có thể sẽ xuất hiện mưa lớn, lũ, lũ quét và sạt lở đất”, ông Cường cảnh báo.
Ngoài ra, theo ông Cường, trên thượng lưu hệ thống sông Thái Bình có khả năng xuất hiện một đợt lũ nhỏ với biên độ lũ lên từ 1-2 m (đỉnh lũ trên các sông đều ở dưới mức báo động một). Nguy cơ xuất hiện sạt lở đất và lũ quét tại các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang. Ngập úng tại các khu đô thị, các thành phố lớn có nguy cơ xuất hiện như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình.
Ông Trần Quang Hoài - Tổng cục trưởng Tổng cục phòng chống thiên tai, nói áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào khu vực có nhiều hoạt động trên biển như khai thác hải sản, du lịch..., còn trên đất liền thì nhiều diện tích lúa đang thời kỳ thu hoạch nên dễ xảy ra tổn hại nặng nề.
“Vừa qua bão Doksuri là rất lớn, nhưng do công tác chỉ đạo ứng phó quyết liệt ngay từ đầu nên nên đã giảm thiểu đáng kể thiệt hại. Lần này áp thấp nhiệt đới mà gây thiệt hại về người là do lỗi của chúng ta. Do đó, các cơ quan chức năng không được chủ quan”, ông Hoài nhấn mạnh.

Tàu thuyền về trú áp thấp nhiệt đới tại Cảng Cái Rồng, huyện Vân Đồn. Ảnh: Minh Cương
Ông Lê Hồng Thắng - Giám đốc Cảng vụ đường thuỷ nội địa Quảng Ninh, cho biết đã dừng cấp phép xuất bến đối với toàn bộ tàu thuyền tại tất cả các bến cảng trên toàn tỉnh. “Từ chiều 24/9, cảng vụ đã hướng dẫn gần 500 tàu du lịch tham quan trên vịnh Hạ Long về nơi neo đậu an toàn”, ông Thắng nói.
Theo UBND huyện Cô Tô (Quảng Ninh), hơn 1.600 du khách đã được thông báo về tình hình thời tiết và yêu cầu rời đảo trong chiều ngày 24/9 để đảm bảo an toàn, tránh bị mắc kẹt.
Sáng nay UBND tỉnh Quảng Ninh có công văn chỉ đạo các ngành, địa phương, đơn vị chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới; tỉnh cũng đã kêu gọi 12.000 tàu thuyền về nơi tránh trú.
Đến 11h trưa nay, tại Quảng Ninh đã có mưa lớn trên diện rộng kèm theo gió giật mạnh ở một số nơi.
Nói chung, vào thời gian này, các tỉnh thành đều phải thực hiện các biện pháp phòng chống mưa bão, lũ lụt, ngập úng bởi lượng mưa đổ về trong mùa sẽ rất nhiều và dai dẳng. Trong nửa cuối của năm luôn là thời gian xử lý các tác động của mưa bão lên mọi miền tổ quốc.
Thanh Thái